Alibaba đặt cược vào các đơn vị thương mại điện tử ở nước ngoài

Bảo Ngọc
Chia sẻ

Một điểm sáng trong thu nhập quý 4/2023 của Alibaba là đơn vị kinh doanh thương mại điện tử uốc tế mang về doanh thu tăng 44% so với cùng kỳ năm trước…

Theo CNBC, gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Alibaba đang đặt cược vào hoạt động kinh doanh ở nước ngoài khi tốc độ tăng trưởng tiêu dùng trong nước vẫn chậm chạp.

Điểm sáng le lói trong báo cáo thu nhập mới nhất của Alibaba là đơn vị kinh doanh thương mại điện tử quốc tế đạt doanh thu 28,5 tỷ NDT (4 tỷ USD) trong quý 4/2023, tăng 44% so với cùng kỳ năm trước. Alibaba International Digital Commerce Group (AIDC), Tập đoàn TMĐT Quốc tế Alibaba, bao gồm một số nền tảng như AliExpress, Lazada, Daraz và Trendyol.

Công ty cho biết: “Hiệu suất mạnh mẽ được thúc đẩy bởi sự tăng trưởng vững chắc trên tất cả nền tảng bán lẻ của AIDC, đặc biệt từ hoạt động kinh doanh AliExpress’ Choice xuyên biên giới” .

Trong khi đó, doanh thu mảng kinh doanh thương mại điện tử cốt lõi của công ty là Taobao và Tmall Group chỉ đạt 18,1 tỷ USD, tăng 2% so với cùng kỳ năm ngoái.

“Chúng tôi dự định tăng cường đầu tư nhằm cải thiện trải nghiệm cốt lõi của người dùng, thúc đẩy tăng trưởng tại Taobao và Tmall, đồng thời củng cố vị trí dẫn đầu thị trường trong năm tới. Chúng tôi cũng sẽ tập trung nguồn lực vào phát triển sản phẩm đám mây công cộng và duy trì đà tăng mạnh mẽ trong kinh doanh thương mại quốc tế”, ông Eddie Wu, Giám đốc Điều hành Tập đoàn Alibaba, tuyên bố vào đầu tháng này.

Bất chấp doanh số bán hàng cải thiện rõ rệt của AIDC, khoản lỗ công ty vẫn tăng so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu là do “tái đầu tư vào các doanh nghiệp, bao gồm cả hoạt động kinh doanh quốc tế của AliExpress’ Choice và Trendyol”.

CUỘC CẢI TỔ DOANH NGHIỆP

Kết quả kinh doanh quý được công khai sau hàng loạt thay đổi ở cấp quản lý tại Alibaba và nhiều đơn vị trực thuộc. Nền tảng thương mại điện tử Pakistan Daraz đã thay thế Giám đốc Điều hành Bjarke Mikkelsen vào ngày 24/1. James Dong, Giám đốc Điều hành gã khổng lồ mua sắm khu vực Đông Nam Á Lazada, được bổ nhiệm làm quyền Giám đốc Điều hành Daraz. Công ty cho biết vị CEO sẽ “làm việc để tích hợp sâu hơn giữa Daraz và các công ty anh em”.

Alibaba đặt cược vào các đơn vị thương mại điện tử ở nước ngoài  - Ảnh 1

Đầu tháng 1, Lazada đã thực hiện đợt sa thải hàng loạt trên khắp Đông Nam Á, ảnh hưởng đến nhân viên mọi cấp độ, bao gồm cả quản lý cấp cao. Việc cắt giảm ảnh hưởng đến tất cả bộ phận như thương mại, bán lẻ và tiếp thị.

Một số nguồn tin thân cận tại Alibaba International chia sẻ với CNBC rằng quyết định sa thải của Lazada nhằm mục đích “hợp lý hóa quy trình ra quyết định và nâng cao hiệu quả tổ chức”.

Ông Yinglan Tan, đối tác quản lý tại Insignia Ventures Partners, cho biết: “Những thay đổi ở cấp độ quản lý có nguồn gốc từ việc cải tổ cơ cấu tổ chức của Alibaba vào năm ngoái, nằm trong chiến lược nhằm điều hướng bộ quy tắc nghiêm ngặt ở Trung Quốc vốn từ lâu đã gây áp lực lên gã khổng lồ công nghệ”.

“Bản chất của AIDC là danh mục đầu tư gồm nhiều hoạt động kinh doanh đa dạng, phức tạp và riêng lẻ, từ Daraz đến Lazada đều đóng vai trò quan trọng trong tổ chức. Việc thắt chặt đội ngũ ‘đầu tàu’ có thể là bước đi củng cố quỹ đạo tăng trưởng, giảm thiểu rủi ro không chắc chắn khi hoạt động ở nhiều thị trường cạnh tranh”, ông Tan nhận định.

LÀN SÓNG THAY ĐỔI LÃNH ĐẠO

Năm 2023 là năm đầy biến động đối với Alibaba, Tập đoàn đã hủy bỏ kế hoạch tách rời hoạt động kinh doanh nền tảng đám mây và thay đổi gần như toàn bộ hệ thống quản lý.

Vào tháng 6/2023, Alibaba cho biết ông Eddie Wu sẽ kế nhiệm ông Daniel Zhang trở thành tân Giám đốc Điều hành, để ông Zhang có thể tập trung vào hoạt động kinh doanh trí tuệ đám mây. Eddie Wu là Giám đốc Điều hành thứ tư của công ty kể từ khi thành lập vào năm 1999. Tuy nhiên, cựu CEO Zhang đột ngột rời bộ phận kinh doanh đám mây vào tháng 9/2023 và ông Eddie Wu trở thành quyền Chủ tịch kiêm Giám đốc Điều hành Cloud Intelligence Group thuộc Alibaba từ đó. Ông Zhang bày tỏ mong muốn rời khỏi vai trò Chủ tịch kiêm Giám đốc Điều hành mảng kinh doanh đám mây, theo bức thư nội bộ Reuters đưa tin.

Vào tháng 12, ông Eddie Wu cũng đảm nhận vị trí CEO tại Taobao và Tmall, thay thế người tiền nhiệm Trudy Dai. Vào thời điểm đó, công ty nhấn mạnh, động thái là biện pháp đảm bảo “đầu tư đáng kể và bền vững” vào thương mại điện tử và điện toán đám mây “để cạnh tranh tại thời điểm biến động công nghệ”. Đại gia TMĐT đối mặt với áp lực ngày càng lớn từ vô số đối thủ cạnh tranh trong đó có PDD, chủ sở hữu Pinduoduo và Temu, làm lung lay vị trí thống trị của Alibaba.

Vào tháng 3 năm ngoái, Alibaba cho biết sẽ chia Tập đoàn thành sáu đơn vị kinh doanh và mở đường cho kế hoạch niêm yết cổ phiếu riêng lẻ. Cựu CEO Zhang khẳng định với nhà đầu tư rằng bước ngoặt này sẽ cho phép hoạt động kinh doanh của Alibaba “trở nên linh hoạt hơn, nâng cao khả năng ra quyết định và phản ứng nhanh hơn với thay đổi thị trường”.

“Giữ cho tổ chức linh hoạt và có khả năng thích ứng luôn là ưu tiên hàng đầu trong chiến lược của các nhà lãnh đạo công nghệ Trung Quốc. Vấn đề càng trở nên cấp bách hơn trước sự trỗi dậy của nhiều đối thủ cạnh tranh mới và thay đổi từ môi trường bên ngoài”, Momentum Works nhận xét trong một báo cáo vào đầu năm nay có tiêu đề “Tìm hiểu những thay đổi căn bản nhất trong lịch sử của Alibaba”.

Theo chân công ty mẹ, đội ngũ lãnh đạo của Lazada cũng chứng kiến ​​thay đổi đáng kể trong một vài năm gần đây.

James Dong đảm nhận vị trí Giám đốc Điều hành Tập đoàn Lazada từ Chun Li vào tháng 6/2022, sau khi hoàn thành tốt nhiệm vụ điều hành hoạt động của công ty tại Thái Lan và Việt Nam. Trước đó, James Dong là người đứng đầu bộ phận chiến lược toàn cầu hóa và phát triển doanh nghiệp tại Tập đoàn Alibaba và từng là trợ lý kinh doanh cho cựu CEO Zhang.

Ngược về quá khứ, vào năm 2020, ông Chun Li đảm nhận vai trò này từ ông Pierre Poignant, người kế nhiệm bà Lucy Peng vào tháng 12/2018. Bà Lucy Peng chỉ đảm nhiệm công việc trong vỏn vẹn 9 tháng.

CẠNH TRANH KHỐC LIỆT

Hoạt động kinh doanh thương mại điện tử từng đưa Alibaba đến thành công hiện giờ gặp nhiều thách thức, đặc biệt với một vài cái tên mới nổi như PDD, trong khi tăng trưởng tiêu dùng tại thị trường Trung Quốc vẫn chậm chạp.

PDD Holdings có trụ sở tại Trung Quốc báo cáo doanh thu quý 3 tăng gần gấp đôi, vượt xa mức tăng trưởng 9% của Alibaba cùng kỳ. PDD cho biết doanh thu trong quý là 9,44 tỷ USD, tăng 94% so với 4,99 tỷ USD cùng quý năm 2022. Alibaba công bố mức tăng trưởng doanh thu 9% so với cùng kỳ trong quý 3 lên khoảng 31 tỷ USD.

Theo dữ liệu từ LSEG, cổ phiếu niêm yết tại Hồng Kông của Alibaba đã giảm từ mức cao nhất mọi thời đại là 309,4 HKD (39,59 USD) vào ngày 28/10/2020 xuống mức 71,50 HKD (9,14 USD) đầu tuần này.

Tương tự, nền tảng TMĐT tại Đông Nam Á của Alibaba là Lazada đang cố gắng chống lại cạnh tranh gay gắt trong khu vực từ các đối thủ như Sea hay TikTok Shop của ByteDance. 

Được biết, TikTok đã hợp tác với Tokopedia, chi nhánh thương mại điện tử của gã khổng lồ công nghệ GoTo đến từ Indonesia, vào tháng 12 năm ngoái. Là một phần thuộc thỏa thuận, TikTok sẽ rót khoảng 1,5 tỷ USD vào hoạt động kinh doanh Tokopedia mở rộng. 

Khởi nghiệp

Hồ sơ Startup

Citigo là công ty công nghệ cung cấp những giải pháp đơn giản với chi phí tiết kiệm, giúp khách hàng nâng cao hiệu quả kinh doanh. Citigo hướng tới tầm nhìn trở thành công ty cung cấp giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp phổ biến tại Đông Nam Á
ESBT là công ty hoạt động trọng lĩnh vực công nghệ thông tin, chúng tôi xây dựng những sản phẩm phần mềm cho cộng đồng và cung cấp dịch vụ phát triển phần mềm cho các doanh nghiệp
Lozi là một trong những ứng dụng thương mại điện tử được yêu thích nhất tại Việt Nam, kết nối hàng triệu người mua và người bán nhằm phục vụ nhu cầu mua bán trực tuyến ngày càng cao. Không chỉ là một cầu nối thương mại điện tử đáng tin cậy, Lozi còn cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh chóng và tiện lợi chỉ trong 1 giờ, đem đến cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm trực tuyến hiệu quả và tối ưu
Bắt nguồn từ mong muốn mang chất lượng dạy Tiếng Anh tại Trường Quốc tế đến với mọi học sinh Việt Nam, để các bạn nhỏ dù không có điều kiện kinh tế theo học tại các Trường Quốc Tế hay Trung Tâm đắt tiền vẫn có thể sử dụng Tiếng Anh tốt như người bản ngữ. Đây chính là hành trang chuẩn bị cho các em tương lai vươn ra thế giới. Chính vì lý do trên, đội ngũ sáng lập đã bắt tay vào xây dựng sản phẩm đầu tiên có tên “Chương trình học Tiếng Anh Online EDUPIA”.
Công ty TNHH SA-ACH định vị về lĩnh vững trồng rừng, phát triển gồm 3 loại cây và bốn tầng cây trên một hecta đất nhằm tạo hệ sinh thái bền vững, và nâng cao thu nhập cho bà con