Nhật Bản thiếu tài xế, Lalamove tức tốc gia nhập cuộc đua logistics

Sơn Trần
Chia sẻ

Kỳ lân Trung Quốc đang tận dụng khai thác AI để tối ưu hóa quy trình giao hàng…

Nền tảng hậu cần Lalamove đến từ Trung Quốc quyết tâm mở rộng sang thị trường Nhật Bản, nhằm mục đích đưa các dịch vụ hỗ trợ bởi trí tuệ nhân tạo độc đáo hiện dẫn đầu toàn cầu đến một quốc gia đang thiếu nhân lực chuyển phát bưu kiện trầm trọng. 

Công nghệ từ Lalamove có thể tự động xử lý đơn hàng trong vòng 5 giây và quản lý đơn hàng nhờ học máy (machine learning). Về hoạt động nhân sự, Lalamove tự tin với công nghệ tự động xét duyệt giấy phép lái xe của tài xế hay công nghệ phân công lộ trình hỗ trợ bởi AI giúp giảm thiểu tình trạng tài xế dư thừa. 

Văn phòng Lalamove Nhật Bản đã bắt đầu tuyển dụng tài xế chở hàng tại Tokyo vào tháng trước. Nếu đăng ký, tài xế sẽ tham gia đào tạo trực tuyến, nộp bằng lái xe cùng một số giấy tờ liên quan và sau đó có thể bắt đầu nhận đơn, theo KrAsia.

Được biết, Luật Lao động sửa đổi Nhật Bản sẽ giới hạn thời gian làm thêm giờ đối với người giao hàng ở mức 960 giờ mỗi năm kể từ tháng 4/2024, dấy lên lo ngại tắc nghẽn hậu cần bắt nguồn từ tình trạng thiếu tài xế xe tải.

“UBER CỦA NGÀNH HẬU CẦN" 

Lalamove, điều hành bởi Lalatech Holdings, nổi tiếng với chính sách tăng giá vận chuyển trong giờ cao điểm, từ đó giảm thời gian giao hàng trước khi nhận đơn tiếp theo. Phương pháp mang lại hiệu quả cao hơn so với một số nhà cung cấp dịch vụ giao hàng hiện tại, thu hút số lượng tài xế cố định mong muốn gắn bó.

Lalatech, thành lập tại Hồng Kông vào năm 2013, đã thay đổi ngành hậu cần bằng cách sử dụng ứng dụng điện thoại có AI hỗ trợ thay cho phương pháp điều phối xe tải truyền thống. Cũng như Uber và nhiều ứng dụng gọi xe khác, giá của Lalamove thấp hơn trong thời gian thấp điểm và cao hơn vào thời gian cao điểm.

Lalatech bắt đầu mở rộng hoạt động quốc tế tại Singapore từ năm 2014, trước khi liên tiếp thâm nhập thị trường Thái Lan, Indonesia và một số quốc gia lân cận. Công ty tự hào khi sở hữu hệ sinh thái khoảng 11 triệu thành viên, bao gồm doanh nghiệp, người tiêu dùng và hơn 1 triệu tài xế trên toàn thế giới. Theo tổ chức nghiên cứu Frost & Sullivan (Hoa Kỳ), đại gia ngành giao hàng nắm giữ 43,5% thị phần toàn cầu trong nửa đầu năm 2022.

Hoạt động kinh doanh chính của công ty là giao hàng chặng cuối các đơn hàng riêng lẻ ở Trung Quốc. Không giống Nhật Bản, tài xế Trung Quốc sử dụng xe cỡ nhỏ hoặc trung để giao hàng mà không cần bằng cấp đặc biệt nào, chỉ cần bằng lái xe thông thường và trong độ tuổi từ 18 đến 60.

Trả lời KrAsia, tài xế tên Wang, nhân viên mới tại Lalamove, cho biết: "Tôi có thể kiếm được trung bình 500 NDT (70 USD) mỗi ngày". Ông chuyển từ tỉnh Hà Nam (Trung Quốc) đến Thượng Hải làm việc và có thể trang trải cho con trai học đại học. Ông Wang bày tỏ hài lòng với thu nhập hiện tại, mặc dù công việc còn nhiều khó khăn.

Sự tăng trưởng ổn định của Lalatech đa phần nhờ vào mạng lưới đại lý và nhà cung cấp rộng lớn mà công ty xây dựng trong vài năm qua. Đối với chủ kinh doanh, đơn hàng được gửi ngay trong ngày mang đến nhiều lợi ích cho cửa hàng. Năm 2022, công ty thực hiện thành công 428 triệu đơn đặt hàng, tổng giá trị giao dịch đạt 7,3 tỷ USD.

Nguồn thu từ Lalatech có sự khác nhau tùy theo quốc gia và khu vực, nhưng chủ yếu đến từ công ty thành viên và khoản phí hoa hồng từ tài xế.

Ví dụ ở thành phố Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc), tài xế được chia thành 4 cấp độ, từ cộng tác viên, cho đến nhân viên cấp một, hai, ba. Ở vị trí cộng tác viên, tài xế không cần trả phí hàng tháng, nhưng phải chiết khấu cho Lalatech 18% số tiền được trả bởi chủ cửa hàng. Ngược lại, phí thành viên hàng tháng áp dụng cho nhân viên cấp độ ba là 739 NDT (hơn 104 USD), nhưng công ty chỉ thu phí hoa hồng 8%.

Theo CB Insights, Lalatech sở hữu mức định giá 10 tỷ USD, đứng thứ 42 trong top kỳ lân nổi bật trên thế giới.

Tuy nhiên, doanh thu công ty sụt giảm do chiến lược đầu tư trả trước. Trong năm 2021, công ty lỗ ròng khoảng 2,1 tỷ USD trên 800 triệu USD doanh thu. Con số được thu hẹp trong năm 2022 nhưng vẫn đáng báo động.

Bối cảnh cạnh tranh khốc liệt với một số đối thủ như Full Truck Alliance niêm yết tại Hoa Kỳ và Didi Freight thuộc gã khổng lồ gọi xe Didi khiến chi phí hoạt động tăng cao.

Mặt khác, Bộ Giao thông Vận tải Trung Quốc đã triệu tập Lalatech vào ngày 5/12/2023 và chỉ thị công ty phải bảo vệ hơn nữa quyền lợi của tài xế, bao gồm chính sách đãi ngộ tốt hơn, tránh cạnh tranh giá quá mức và thiết lập hệ thống giải quyết khiếu nại. Bộ đã ban hành hướng dẫn cho công ty ít nhất 5 lần kể từ tháng 4/2021. Hơn nữa, đảm bảo an ninh dữ liệu, ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Trung Quốc, cũng là vấn đề đáng lưu tâm.

Lalatech vừa nộp đơn lên Sở giao dịch Chứng khoán Hồng Kông vào tháng 3/2023 với mục đích niêm yết. Nỗ lực niêm yết trước đó đã hết hạn sau sáu tháng vì “công ty thiếu tiến bộ”. Gã khổng lồ vận tải phải đối mặt với thách thức khi giải quyết một số yêu cầu của Chính phủ Trung Quốc trong việc đạt được mục tiêu niêm yết.

Khởi nghiệp

Hồ sơ Startup

Citigo là công ty công nghệ cung cấp những giải pháp đơn giản với chi phí tiết kiệm, giúp khách hàng nâng cao hiệu quả kinh doanh. Citigo hướng tới tầm nhìn trở thành công ty cung cấp giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp phổ biến tại Đông Nam Á
ESBT là công ty hoạt động trọng lĩnh vực công nghệ thông tin, chúng tôi xây dựng những sản phẩm phần mềm cho cộng đồng và cung cấp dịch vụ phát triển phần mềm cho các doanh nghiệp
Lozi là một trong những ứng dụng thương mại điện tử được yêu thích nhất tại Việt Nam, kết nối hàng triệu người mua và người bán nhằm phục vụ nhu cầu mua bán trực tuyến ngày càng cao. Không chỉ là một cầu nối thương mại điện tử đáng tin cậy, Lozi còn cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh chóng và tiện lợi chỉ trong 1 giờ, đem đến cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm trực tuyến hiệu quả và tối ưu
Bắt nguồn từ mong muốn mang chất lượng dạy Tiếng Anh tại Trường Quốc tế đến với mọi học sinh Việt Nam, để các bạn nhỏ dù không có điều kiện kinh tế theo học tại các Trường Quốc Tế hay Trung Tâm đắt tiền vẫn có thể sử dụng Tiếng Anh tốt như người bản ngữ. Đây chính là hành trang chuẩn bị cho các em tương lai vươn ra thế giới. Chính vì lý do trên, đội ngũ sáng lập đã bắt tay vào xây dựng sản phẩm đầu tiên có tên “Chương trình học Tiếng Anh Online EDUPIA”.
Công ty TNHH SA-ACH định vị về lĩnh vững trồng rừng, phát triển gồm 3 loại cây và bốn tầng cây trên một hecta đất nhằm tạo hệ sinh thái bền vững, và nâng cao thu nhập cho bà con