Startup Việt một năm bùng nổ gọi vốn

Thu Hoàng
Chia sẻ

Bất chấp những thách thức của đại dịch Covid-19, năm 2021 bất ngờ ghi nhận hàng loạt các thương vụ gọi vốn khủng, tạo đà cho một năm 2022 tươi sáng và vững vàng hơn cho hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tiếp tục phát triển.

Bất chấp những thách thức của đại dịch Covid-19, năm 2021 bất ngờ ghi nhận hàng loạt các thương vụ gọi vốn khủng
Bất chấp những thách thức của đại dịch Covid-19, năm 2021 bất ngờ ghi nhận hàng loạt các thương vụ gọi vốn khủng

Covid-19 đã khiến không ít doanh nghiệp Việt điêu đứng. Tuy nhiên, hạn chế từ lệnh giãn cách xã hội cũng kéo theo sự thay đổi mạnh mẽ của thị trường và thói quen tiêu dùng, giúp thúc đẩy sự tăng trưởng cho các doanh nghiệp thương mại điện tử, công nghệ tài chính (fintech) hay công nghệ giáo dục (edtech)...

Năm 2021, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam ghi nhận 88 thương vụ đầu tư với tổng giá trị hơn 1,3 tỷ USD, theo số liệu thống kê từ Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ và Văn phòng Đề án 844 (Bộ Khoa học và Công nghệ). Trong đó có nhiều lĩnh vực phát triển nóng, thu hút vốn đầu tư mạnh mẽ như công nghê tài chính, game, giáo dục, y tế chăm sóc sức khỏe, thương mại điện tử…

BÙNG NỔ GỌI VỐN

Trở thành một ngôi sao đang lên tại thị trường Đông Nam Á, các startup của Việt Nam ghi dấu ấn với những màn gọi vốn ngoạn mục trong năm qua. Trong đó, có những thương vụ lên tới hàng trăm triệu USD. 

Ở lĩnh vực fintech, một trong những “ngôi sao” thu hút sự chú ý nhiều nhất từ giới đầu tư trong năm qua là MoMo. Cuối tháng 12 vừa qua, ví điện tử hàng đầu tại Việt Nam này vừa công bố hoàn thành vòng gọi vốn thứ 5 (Series E) với số tiền đầu tư trị giá khoảng 200 triệu USD. 

 

Theo báo cáo “Southeast Asia Ecosystem 2.0” của Golden Gate Ventures, quỹ đầu tư mạo hiểm này nhận định Việt Nam là “ngôi sao đang lên” của Đông Nam Á và sẽ trở thành quốc gia có hệ sinh thái khởi nghiệp lớn thứ ba khu vực vào năm 2022.

MoMo cũng chính thức trở thành “kỳ lân” mới của Việt Nam, với giá trị định giá vượt 2 tỷ USD sau vòng gọi vốn này. Nguồn vốn mới được cho là sẽ giúp MoMo củng cố vị trí siêu ứng dụng dẫn đầu thị trường thông qua việc tăng cường cung cấp các dịch vụ tài chính đến 31 triệu khách hàng hiện hữu. 

Vòng gọi vốn lần này được dẫn dắt bởi Mizuho - Ngân hàng Toàn cầu Nhật Bản. Ông Daisuke Horiuchi, Giám đốc điều hành mảng kinh doanh bán lẻ của Mizuho (Mizuho’s Retail Business), chia sẻ hiện Mizuho không ngừng tìm kiếm và mở rộng các mảng kinh doanh bán lẻ tại Đông Nam Á, cũng như trong lĩnh vực chuyển đổi số và phát triển tài chính toàn diện. 

“MoMo đã thể hiện rất xuất sắc trong cả ba lĩnh vực trên và chúng tôi tin tưởng rằng công ty sẽ tiếp tục góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống không chỉ của con người Việt Nam, mà còn của cả các doanh nghiệp thông qua việc cung cấp những giải pháp toàn diện liên quan đến dịch vụ tài chính, cũng như các dịch vụ thiết yếu khác cho cuộc sống”, ông Daisuke Horiuchi nói thêm. 

Trở thành một ngôi sao đang lên tại thị trường Đông Nam Á, các startup của Việt Nam ghi dấu ấn với những màn gọi vốn ngoạn mục trong năm qua.
Trở thành một ngôi sao đang lên tại thị trường Đông Nam Á, các startup của Việt Nam ghi dấu ấn với những màn gọi vốn ngoạn mục trong năm qua.

Trong lĩnh vực thương mại điện tử, Tiki tiếp tục là “ngôi sao” sáng nhất với giới đầu tư. Hồi tháng 11, nền tảng thương mại điện tử Việt Nam Tiki đã huy động thành công 258 triệu USD trong vòng gọi vốn do AIA dẫn đầu. Khoản tài trợ mới này giúp đưa định giá của công ty lên gần 1 tỷ USD.

Khoản vốn mới cũng giúp hãng thực hiện mục tiêu là mở rộng thị phần thương mại điện tử, cũng như phục vụ kế hoạch IPO trong tương lai. Tiki hiện đang tích cực đầu tư vào cơ sở hạ tầng logistics và năng lực vận hành, bao gồm hệ thống kho bãi, đội ngũ quản lý, nhân viên giao hàng... nhằm đẩy mạnh hoạt động giao vận phủ toàn bộ khu vực TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng và các tỉnh lân cận. Doanh nghiệp này cũng hướng đến mục tiêu tự động hóa 50% chuỗi hệ thống trung tâm vận hành và kho bãi, trong đó trung tâm vận hành chính tự động hóa 100%.

Dưới tác động của Covid-19, học trực tuyến đã trở nên thiết yếu và đây là thời điểm thuận lợi để các startup trong lĩnh vực edtech tạo ra đột phá. Đó cũng là một trong những lí do để các startup trong mảng giáo dục trở nên hấp dẫn với các nhà đầu tư trong năm qua. Đầu tháng 6, tập đoàn giáo dục EQuest công bố nhận được khoản đầu tư 100 triệu USD từ KKR - một trong những công ty đầu tư lớn nhất thế giới. 

Một trong những định hướng lớn của Quỹ KKR Global Impact là đầu tư vào những doanh nghiệp hỗ trợ Quá trình học tập suốt đời (Lifelong Learning) để tập trung vào việc thu hẹp cách biệt về kỹ năng và tạo ra cơ hội tiếp cận bình đẳng với giáo dục chất lượng. EQuest giúp thực hiện các mục tiêu trên của KKR.

Bên cạnh các lĩnh vực chuyển mình mạnh mẽ như fintech, thương mại điện tử và edtech, một trong những điểm sáng rực rỡ và “bất ngờ” nhất thuộc về startup trong lĩnh vực game blockchain - Axie Infinity. Axie, được phát triển bởi đội ngũ phần lớn là người Việt ra mắt vào tháng 2/2018, ở thời điểm không ai biết NFT là gì. 

Với chiến lược toàn cầu thực sự ngày từ những ngày đầu tiên, Axie Infinity đã thu hút người chơi từ mọi nơi trên trái đất theo cách chưa từng thấy trong lĩnh vực game dựa trên blockchain. Cho đến nay, tựa game này đã trở thành là dự án NFT lớn nhất từ trước đến nay với cộng đồng người chơi trên khắp thế giới. 

Hồi tháng 10, Sky Mavis - công ty phát triển Axie Infinity - công bố đã huy động được 152 triệu USD trong vòng gọi vốn series B… Sky Mavis không tiết lộ định giá của công ty sau vòng gọi vốn series B. Tuy nhiên, theo giới quan sát, giá trị của Sky Mavis có thể đạt gần 3 tỷ USD.

Vòng gọi vốn được dẫn dắt bởi Quỹ đầu tư Andreessen Horowitz và một số nhà đầu tư khác. “Số vốn mới sẽ giúp chúng tôi nạp thêm nhiên liệu cho cuộc cách mạng hóa trong “play to earn” (chơi game có thể kiếm tiền), thu hút thêm các nhân tài từ khắp nơi trên thế giới cũng như mở rộng hạ tầng để tăng trưởng và xây dựng các nền tảng phân phối nhằm hỗ trợ các nhà lập trình game có thể tạo ra thêm các tựa game NFT”, thông báo của Sky Mavis cho biết.

HỆ SINH THÁI CHUYỂN MÌNH

Mặc dù vẫn ở giai đoạn còn non trẻ, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam đã có những chuyển mình mạnh mẽ trong năm qua. Năm 2021, Việt Nam xếp thứ 44 về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu. Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam xếp hạng 59 trên 100 quốc gia. Hệ sinh thái TP.HCM tăng 46 bậc, xếp thứ 179. Hà Nội tăng 5 bậc, lên vị trí 191. 

Theo bà Lê Hoàng Uyên Vy, Giám đốc điều hành Quỹ đầu tư mạo hiểm Do Ventures, so với trong khu vực, ngoài Singapore và Indonesia, Việt Nam cũng không thua các quốc gia khác. Việt Nam vẫn có những startup được định giá giá trị cao như VNG, VNPAY hay có những công ty có quy mô lớn như Tiki, MoMo. “Đó là những công ty đại diện cho hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam. Ví dụ như Thái Lan là một quốc gia có GDP về dân số khá tốt nhưng nước này không có công ty nào đạt được như tầm VNG của Việt Nam”, bà Uyên Vy khẳng định. 

Cũng theo bà Uyên Vy, xét ở trong khu vực Đông Nam Á, khoảng cách của Việt Nam không xa so với những quốc gia đi đầu. Ví như, Singapore là một cái “hub” (trung tâm) của khu vực nên vốn sẽ chảy về nước này đầu tiên. Indonesia thì có thị trường lớn do đông dân và số lượng người dùng Internet cũng khá cao nên đây là thị trường được đầu tư sớm hơn Việt Nam. 

Ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ, cho biết đến nay Việt Nam đã có khoảng 3.800 startups, và có 11 startups được định giá trên 100 triệu USD. Hiện nay, có hơn 200 quỹ đầu tư đang hoạt động ở Việt Nam và hơn 100 tổ chức thúc đẩy kinh doanh, cơ sở ươm tạo… Hệ sinh thái của Việt Nam đã có sự bứt phá, đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN (sau Singapore và Indonesia). 

Startup Việt một năm bùng nổ gọi vốn - Ảnh 1

Một số cá nhân/tổ chức đã đứng ra tập hợp và hình thành mạng lưới kết nối nhằm hỗ trợ giải quyết các vấn đề cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Đến nay có hơn 30 doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong nước tham gia hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp, đầu tư tài chính cho startup, trở thành khách hàng và đối tác của startup cũng như chia sẻ kinh nghiệm, tư vấn chuyên môn, kết nối mở rộng thị trường, dẫn dắt và tạo động lực cho hoạt động khởi nghiệp…

Thêm vào đó, hành lang pháp lý được thiết kế cho khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo với tính mở, thể hiện trong Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, chuyển tư duy từ quản lý sang hỗ trợ. Cơ chế thúc đẩy dòng vốn của quỹ phát triển khoa học công nghệ mở ra cho hoạt động đầu tư và đổi mới sáng tạo tại Việt Nam. Việc sửa đổi, bổ sung một số quy định của đề án 844 cũng nhấn mạnh liên kết quốc tế, hình thành mạng lưới kết nối với trung tâm khởi nghiệp, sáng tạo, làm hạt nhân hướng tới một hệ sinh thái, đổi mới sáng tạo mở.

BỆ PHÓNG VỮNG CHẮC CHO NĂM 2022

Theo báo cáo “Southeast Asia Ecosystem 2.0” của Golden Gate Ventures, quỹ đầu tư mạo hiểm này nhận định Việt Nam là “ngôi sao đang lên” của Đông Nam Á và sẽ trở thành quốc gia có hệ sinh thái khởi nghiệp lớn thứ ba khu vực vào năm 2022. Cùng với sự hoàn thiện của hệ sinh thái và bùng nổ các thương vụ gọi vốn trong năm 2021, dòng vốn đầu tư mạo hiểm vào startup Việt được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trong năm 2022. 

Theo ông Louis Casey, Giám đốc phụ trách mảng công nghệ tăng trưởng của KKR Đông Nam Á, bất chấp các thách thức đến từ đại dịch, các nhà đầu tư, các tổ chức tài chính vẫn tin tưởng vào tương lai phát triển của các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt trong dài hạn sau khi đại dịch qua đi. “Việt Nam đã là một thị trường năng động cho KKR, nơi chúng tôi đã đầu tư hơn 1 tỷ USD vốn vào các công ty hàng đầu của đất nước”, ông Casey nói.

Sự chuyển dịch sang nền kinh tế kỹ thuật số của Việt Nam được phản ánh qua sự mở rộng nhanh chóng của nền kinh tế Internet, dự kiến đạt 14 tỷ USD vào năm 2020 và tăng lên ước tính 52 tỷ USD vào năm 2025. Đây là lí do để các nhà đầu tư tiếp tục dành sự quan tâm lớn cho thị trường Việt Nam. 

Theo các nhà quan sát, trong năm 2022, dòng vốn đầu tư được dự đoán tiếp tục sẽ chảy vào một số các lĩnh vực có tăng trưởng mạnh mẽ trong và hậu Covid-19 như fintech, thương mại điện tử, các nền tảng giúp chuyển đổi số cho doanh nghiệp và công nghệ giáo dục…

Thêm vào đó, thị trường có thể nhận được những hiệu ứng tốt nếu hệ sinh thái khởi nghiệp Việt có các IPO thành công. Nền tảng thương mại điện tử top đầu tại Việt Nam Tiki ban đầu có kế hoạch niêm yết tại Mỹ vào năm 2025, tuy nhiên kế hoạch này có thể được thực hiện sớm hơn. Việc niêm yết thành công một công ty khởi nghiệp lớn của Việt Nam như Tiki tại Mỹ có thể giúp gia tăng niềm tin của nhà đầu tư với Việt Nam và mở đường cho các dòng vốn đổ vào lĩnh vực công nghệ Việt.

Đặc biệt, sự mở rộng của các xu hướng công nghệ mới như NFT hay metaverse (vũ trụ ảo) cùng thành công của Axie Infinity cũng “chắp cánh” cho một làn sóng các startup Việt trong các lĩnh vực này phát triển và có khả năng huy động vốn lớn từ nhà đầu tư. Theo CoinDesk - một trong những chuyên trang tin tức có ảnh hưởng trên thị trường tiền số, thành công của tựa game này đã thúc đẩy làn sóng khởi nghiệp mới tại Việt Nam, với sự ra đời của nhiều studio game cũng như một số dự án có sức ảnh hưởng trên toàn cầu.

Nhận định về các startup trong lĩnh vực nào sẽ tiếp tục hút vốn mạnh trong tương lai, bà Hoàng Thị Kim Dung, nhà đầu tư đến từ Quỹ Genesia Ventures, chia sẻ có một công thức bất biến trên thị trường và ai có đủ độ nhạy bén với công thức ấy và có sản phẩm phù hợp sẽ thu hút được các quỹ đầu tư.

Đặc biệt, trong giai đoạn Covid-19 và hậu Covid-19, công thức đó sẽ trở nên rõ nét hơn. Theo đó, ở giai đoạn này, túi tiền của cả cá nhân và doanh nghiệp đều đang mỏng đi. Xu hướng tiết kiệm hay mong muốn tiếp cận sản phẩm, dịch vụ với một chi phí phải chăng nhất hoặc linh hoạt nhất về hình thức thanh toán sẽ nổi lên.

“Bất kỳ sản phẩm nào đáp ứng được nhu cầu đó, cung cấp với một mức giá và có hình thức thanh toán linh hoạt, khác biệt so với các sản phẩm đã có trên thị trường sẽ có nhiều cơ hội”, bà Dung nói.

Bên cạnh đó, do mọi người muốn tăng thu nhập trong giai đoạn này nên những sản phẩm hay dịch vụ có thể hỗ trợ cá nhân hay doanh nghiệp có thể gia tăng doanh thu, tạo ra dòng tiền mới sẽ có nhiều cơ hội. Cuối cùng là nhóm các sản phẩm và dịch vụ giúp tối ưu hóa chi phí sẽ có nhiều cơ hội thu hút đầu tư bởi nhiều doanh nghiệp đang tiến hành chuyển đổi số hay làm việc từ xa. “Các phần mềm quản lý doanh nghiệp và tối ưu quản lý vận hành sẽ có nhiều cơ hội. Nhiều quỹ đầu tư đang tìm kiếm cơ hội đầu tư vào các nền tảng Saas (phần mềm dạng dịch vụ) là vì vậy”, bà Dung giải thích.

Tin liên quan

Khởi nghiệp

Hồ sơ Startup

Citigo là công ty công nghệ cung cấp những giải pháp đơn giản với chi phí tiết kiệm, giúp khách hàng nâng cao hiệu quả kinh doanh. Citigo hướng tới tầm nhìn trở thành công ty cung cấp giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp phổ biến tại Đông Nam Á
ESBT là công ty hoạt động trọng lĩnh vực công nghệ thông tin, chúng tôi xây dựng những sản phẩm phần mềm cho cộng đồng và cung cấp dịch vụ phát triển phần mềm cho các doanh nghiệp
Lozi là một trong những ứng dụng thương mại điện tử được yêu thích nhất tại Việt Nam, kết nối hàng triệu người mua và người bán nhằm phục vụ nhu cầu mua bán trực tuyến ngày càng cao. Không chỉ là một cầu nối thương mại điện tử đáng tin cậy, Lozi còn cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh chóng và tiện lợi chỉ trong 1 giờ, đem đến cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm trực tuyến hiệu quả và tối ưu
Bắt nguồn từ mong muốn mang chất lượng dạy Tiếng Anh tại Trường Quốc tế đến với mọi học sinh Việt Nam, để các bạn nhỏ dù không có điều kiện kinh tế theo học tại các Trường Quốc Tế hay Trung Tâm đắt tiền vẫn có thể sử dụng Tiếng Anh tốt như người bản ngữ. Đây chính là hành trang chuẩn bị cho các em tương lai vươn ra thế giới. Chính vì lý do trên, đội ngũ sáng lập đã bắt tay vào xây dựng sản phẩm đầu tiên có tên “Chương trình học Tiếng Anh Online EDUPIA”.
Công ty TNHH SA-ACH định vị về lĩnh vững trồng rừng, phát triển gồm 3 loại cây và bốn tầng cây trên một hecta đất nhằm tạo hệ sinh thái bền vững, và nâng cao thu nhập cho bà con